Vừa là bữa ăn nhẹ vừa là một phần của chế độ ăn uống cân bằng, trái cây chính là một sự lựa chọn lành mạnh. Chúng rất giàu dưỡng chất thiết yếu, đặc biệt là chất xơ. Tuy nhiên, hàm lượng đường cao trong nhiều loại trái cây có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.
Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận khuyến khích những người mắc bệnh tiểu đường nên kết hợp trái cây vào chế độ ăn uống cân bằng của họ.
Ăn trái cây và rau quả có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư. Đây cũng là một nguồn thực phẩm cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ thiết yếu.
Tuy nhiên, trái cây cũng có thể chứa nhiều đường. Những bệnh nhân tiểu đường cần phải theo dõi chặt chẽ lượng đường nạp vào cơ thể để phòng ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến.
Điều đó nói lên rằng, có sự khác biệt giữa loại đường có trong trái cây và loại đường trong nhiều loại thực phẩm khác, chẳng hạn như sô cô la và các loại bánh nướng.
Bài viết này sẽ thảo luận về những loại trái cây mà bệnh nhân tiểu đường nên ăn và những loại nào họ nên tránh, cũng như mối liên hệ của chúng đối với bệnh tiểu đường.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Những Loại Trái Cây Cần Tránh
Nói chung, người bệnh không nên loại trừ trái cây ra khỏi chế độ ăn uống của họ. Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2017 cho thấy ăn trái cây thực sự có thể giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, những người đã mắc bệnh cần hạn chế ăn những loại trái cây sau đây:
Trái Cây Có GI Cao
Chỉ số đường huyết (GI) cho biết tốc độ làm tăng đường huyết nhanh hay chậm sau khi ăn các thực phẩm giàu chất bột đường vào trong cơ thể. Điểm GI của thực phẩm từ 70 đến 100 cho thấy rằng nó chứa nhiều đường. Những loại trái cây sau đây có chỉ số nằm trong phạm vi này:
- Dưa hấu
- Chuối chín mùi
Những loại trái cây này vẫn an toàn cho bệnh nhân ăn. Tuy nhiên, họ nên ăn có chừng mực. Phần lớn trái cây có điểm GI thấp hơn sẽ phù hợp hơn cho những người mắc bệnh tiểu đường.
Sự Thật Về Đường
Nhiều người cho rằng vì trái cây thường chứa nhiều đường nên những ai mắc bệnh tiểu đường cần phải kiêng cử.
Tuy nhiên, đường trong trái cây tươi không phải là đường “tự do”. Đường tự do chính là loại đường bổ sung có trong mật ong, xi-rô, mật hoa, và nước ép rau củ quả không đường. Theo bài báo năm 2017, đường trong trái cây tươi là fructose, không ảnh hưởng nhiều đến lượng đường huyết hay mức insulin của một người.
Những loại thực phẩm như socola, các loại bánh nướng và một số loại nước ngọt đều có lượng đường tự do cao, chính là tác nhân khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.
Trái Cây Chứa Nhiều Carbohydrate
Theo Diabetes UK, lượng đường trong máu của một người bị ảnh hưởng phần lớn bởi lượng carbohydrate mà họ tiêu thụ.
Nếu bạn đang thực hiện chế độ ăn kiêng low-carb, bạn nên bắt đầu bằng cách loại bỏ lượng calo rỗng và các loại carbohydrate có hại khác ra khỏi chế độ ăn uống của mình. Trái cây có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, vì vậy nó có thể không đứng đầu trong danh sách.
Bảng này so sánh hàm lượng carbohydrate của một số loại trái cây với hàm lượng carbohydrate của các loại thực phẩm giàu carbohydrate khác:
TRÁI CÂY | HÀM LƯỢNG CARBOHYDRATE |
1 quả táo cỡ vừa | 15 – 20 gam (g) |
1 bánh muffin socola | 55 g |
1 quả chuối cỡ lớn | 30 g |
500 ml soda loại thường | 54 g |
1 phần trái cây sấy khô | 20 g |
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Nước Ép Trái Cây
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết rằng uống nước ép trái cây trong bữa ăn, hoặc uống quá nhiều có thể khiến lượng đường huyết của một người tăng đột biến.
Tuy nhiên, sự kết hợp giữa chất xơ và đường đơn trong trái cây sẽ làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu khi họ ăn trái cây nguyên quả.
Một nghiên cứu năm 2013 đã kiểm tra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ trái cây và nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2. Kết quả cho thấy những người ăn nhiều trái cây ít có nguy cơ mắc bệnh hơn. Ngược lại, những người uống nhiều nước ép trái cây lại dễ mắc phải căn bệnh này hơn.
Nghiên cứu năm 2017 cũng cho ra kết quả tương tự. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ăn trái cây tươi làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2. Họ cũng phát hiện ra rằng những bệnh nhân thường xuyên ăn trái cây tươi sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch hoặc tử vong.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Trái Cây Sấy Khô
Bệnh nhân cũng có thể kết hợp trái cây sấy khô vào chế độ ăn uống của mình, miễn là nó không chứa đường bổ sung. Trong một nghiên cứu năm 2017, các nhà khoa học đã tìm thấy mối liên hệ tích cực giữa việc ăn các loại hạt và trái cây sấy khô, với việc phòng ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2.
Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) xác nhận rằng trái cây sấy khô có thể là một lựa chọn tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường, nhưng họ chỉ nên ăn với số lượng nhỏ.
Có thể bạn quan tâm: Trái Cây Sấy Khô Có Liên Quan Đến Chế Độ Ăn Uống Và Sức Khỏe Tổng Thể Tốt Hơn
Nhãn Mác Bao Bì
ADA khuyến nghị người tiêu dùng nên để ý các cụm từ cụ thể được chú thích trên nhãn mác bao bì. Ví dụ, họ nên chọn các loại sản phẩm có nhãn ghi rõ:
- Nước ép trái cây nguyên chất
- Không chất tạo ngọt
- Không chứa đường bổ sung
Một cách để tận dụng phần trái cây gọt sẵn còn dư, chính là đông lạnh, ví dụ như chuối. Theo Diabetes UK, bạn có thể xay nhuyễn chúng để làm nên món kem có lợi cho sức khỏe, chỉ sau vài tiếng đồng hồ.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Số Lượng Khẩu Phần
Một bệnh nhân tiểu đường nên ăn ít nhất 5 phần trái cây và rau củ mỗi ngày. Diabetes UK đã phân loại số lượng trái cây sau đây thành một khẩu phần cụ thể:
KHẨU PHẦN | VÍ DỤ |
Quả tươi cỡ nhỏ: 2 quả trở lên | 2 quả mận |
2 quả quýt Satsuma | |
2 quả kiwi | |
3 quả mơ | |
6 quả vải | |
7 quả dâu tây | |
14 quả anh đào | |
Quả tươi cỡ vừa: 1 quả | 1 quả táo |
1 quả chuối | |
1 quả lê | |
1 quả cam | |
1 quả xuân đào | |
Quả tươi cỡ lớn: Ít hơn 1 quả | Nửa quả bưởi |
Một lát đu đủ dài 5 cm | |
2 lát xoài dài 5 cm | |
Trái cây sấy khô: 30 gam | 1 thìa canh vun (tbsp) nho khô, phúc bồn tử hoặc nho xuntan |
2 quả sung khô | |
1 nắm vun chuối sấy | |
Trái cây tự nhiên đóng lon: Tương tự như trái cây tươi | 2 nửa quả lê hoặc đào |
8 múi bưởi |
Trong Các Chế Độ Ăn Kiêng Khác
Dù cho bạn theo chế độ ăn nào đi nữa, thì ADA vẫn khuyến nghị nên bổ sung thêm trái cây tươi, đông lạnh hoặc đóng hộp. Họ đề xuất lượng trái cây sau dựa trên ba kiểu ăn uống riêng biệt:
- Chia phần: Kiểu ăn kiêng này có chứa một lượng trái cây nhỏ hoặc nửa cốc salad trái cây, trong số các loại thực phẩm khác mà nó cho phép.
- Tính carbs: Một lượng trái cây nhỏ hoặc nửa cốc trái cây đóng hộp / đông lạnh chứa khoảng 15 g carbs. Bạn có thể thay một khẩu phần carbs khác trong một bữa hoặc một ngày bằng trái cây.
- GI: Phần lớn các loại trái cây đều có chỉ số GI thấp nhờ hàm lượng chất xơ cao, vì vậy chúng có thể được đưa vào chế độ ăn uống của những người tuân theo hướng dẫn về đường huyết.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Những Loại Trái Cây Nên Ăn
ADA đã liệt kê một số loại trái cây phổ biến mà những người mắc bệnh tiểu đường có thể kết hợp trong chế độ ăn uống của họ, bao gồm những loại như:
- Táo
- Mơ
- Bơ
- Chuối
- Dâu đen
- Việt quất
- Dưa lưới
- Anh đào
- Bưởi
- Nho
- Dưa lê
- Kiwi
- Xoài
- Xuân đào
- Cam
- Đu đủ
- Đào
- Lê
- Dứa
- Mận
- Mâm xôi
- Dâu tây
- Quýt
Tổng Kết
Ăn trái cây là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống của một người. Dù có chứa một lượng đường khá lớn, nhưng trái cây tươi không chứa đường tự do, một loại đường có thể khiến lượng đường huyết của bệnh nhân tăng đột biến.
Trái cây cũng rất giàu chất xơ, có tác dụng làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn trái cây nguyên quả có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Do đó, người bệnh nên duy trì trái cây như một phần của chế độ ăn uống cân bằng mỗi ngày, đồng thời họ nên cố gắng hạn chế ăn những loại thực phẩm chứa nhiều carbohydrate khác.
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê