Hàm lượng caffeine khác nhau rất nhiều giữa các loại trà, trong đó trà đen có mức trung bình cao nhất. Ngoại trừ các loại trà đã khử caffeine, trà xanh và trà trắng là những loại trà có hàm lượng caffeine ít nhất.
Trà là loại thức uống phổ biến và ưa thích với nhiều người. Trà được làm từ cây trà, hay còn gọi là cây chè (Camellia Sinensis), một loại cây cho năng suất cao mọc ở các vùng cao nguyên nhiệt đới.
Lá trà có thể được oxy hóa (ủ để lên men) bằng cách gia nhiệt như xào khô, luộc hoặc sấy khô. Việc kiểm soát quá trình oxy hoá trong lúc làm trà sẽ tạo ra các hương vị khác nhau cho từng loại trà:
- Lá trà đen trở nên héo úa, sẫm màu và được oxy hóa hoàn toàn
- Lá trà xanh không trải qua công đoạn làm héo và không bị oxy hóa
- Lá trà ô long trở nên héo úa, sẫm màu và được oxy hóa một phần
- Trà trắng bao gồm là và chồi non được oxy hóa ở mức tối thiểu
Trà đen phổ biến nhất ở Hoa Kỳ và Châu Âu, chiếm khoảng 75% lượng tiêu thụ trà toàn cầu. Trà xanh là loại phổ biến nhất ở Nhật Bản và Trung Quốc. Ô long và trà trắng được tiêu thụ với số lượng ít hơn những loại trà còn lại.
Trong tiêu điểm hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về những loại trà có nhiều caffeine nhất, các loại trà không chứa caffeine tốt nhất và một số rủi ro liên quan đến việc sử dụng caffeine.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Hầu Hết Các Loại Trà Đều Có Chứa Caffeine
Lượng caffeine có thể thay đổi tùy theo loại trà. Trà đen và trà ô long chứa hàm lượng caffeine cao nhất, trong khi trà thảo mộc và trà đã khử caffeine chứa lượng nhỏ hoặc ít hơn. Nhiều loại trà có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, vì chúng có chứa:
- Chất Chống Oxy Hóa: Những chất này có thể trì hoãn hoặc ngăn ngừa tổn thương do quá trình oxy hóa trong cơ thể, hỗ trợ giảm nguy cơ nguy cơ bệnh tật, bao gồm bệnh tim và ung thư.
- Phytochemical: Những hóa chất tự nhiên có nguồn gốc từ thực vật. Chúng có thể tăng cường hệ thống miễn dịch và đóng một vai trò trong việc giảm nguy cơ ung thư và bệnh tim.
- Flavonoid: Đây là một loại chất phytochemical polyphenolic và cũng có chức năng như chất chống oxy hóa.
- Flavonol: Những flavonoid này được tìm thấy trong trà và chúng có khả năng chống oxy hóa vượt trội.
- Epigallocatechin Gallate (EGCG): Catechin này được tìm thấy trong trà đen và trà xanh và cũng là một chất chống oxy hóa mạnh.
- Theanine: Đây là một axit amin có thể giúp giảm căng thẳng.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Trà Đen
Hàm lượng caffeine trong mỗi 8 fl oz trà đen nằm trong khoảng từ 64 đến 112 miligam (mg).
Trà đen không chứa calo, chất béo, protein, chất xơ, vitamin hoặc đường. Tuy nhiên, cũng giống như bao loại trà khác, nó có chứa flavonoid giúp tăng cường sức khỏe, phytochemical, flavonol, theanine và nhiều khả năng chống oxy hóa. Nghiên cứu chỉ ra rằng trà đen có thể hỗ trợ:
- Tăng sự tỉnh táo về tinh thần: Nhờ hàm lượng caffeine, uống trà đen cả ngày có thể cải thiện cảm giác tỉnh táo và khả năng tập trung tinh thần của một người.
- Đau tim: Những ai uống trà đen có thể giảm nguy cơ đau tim và những người đã uống trà đen trong ít nhất một năm có thể giảm nguy cơ tử vong sau khi bị đau tim.
- Tuột huyết áp: Đồ uống có chứa caffeine có thể giúp cải thiện huyết áp ở người cao tuổi bị tuột huyết áp sau ăn.
- Ung thư buồng trứng: Những người uống trà dường như có thể giảm nguy cơ mắc căn bệnh ung thư này so với những người không bao giờ hoặc hiếm khi uống trà.
Trà Ô Long
Mỗi phần trà ô long 8 fl oz chứa từ 29 đến 53 mg caffeine. Nó không chứa chất béo, đường, protein và chất xơ. Trong 100 gam (g) trà ô long chứa:
- 1 calo
- 1 mg canxi
- 1 mg magiê
- 1 mg phốt pho
- 12 mg kali
- 3 mg natri
- 01 mg kẽm
- 06 mg niacin
- 2 mg teobromin
Trà ô long có thể giúp giảm cân. Nghiên cứu trên động vật cho thấy chất chống oxy hóa EGCG có trong ô long và các loại trà khác có thể hỗ trợ giảm cân.
Nghiên cứu chỉ ra rằng trà ô long có thể làm giảm lượng cholesterol, qua đó có khả năng giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim.
Trà Xanh
Hàm lượng caffeine trên mỗi khẩu phần trà xanh 8 fl oz dao động từ 24 đến 39 mg. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, 100 g trà xanh không chứa chất béo, đường hay chất xơ. Thay vào đó nó có:
- 1 calo
- 22 g protein
- 02 mg sắt
- 1 mg magiê
- 8 mg kali
- 1 mg natri
- 01 mg kẽm
Trà xanh có thể có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như:
- Đặc tính giảm nguy cơ ung thư da: Theo nghiên cứu trên người, in vivo và in vitro, trà xanh có thể hỗ trợ phòng chống ung thư da do tia UVB gây ra. Điều này có thể là do các polyphenol trong trà, vi chất dinh dưỡng từ thực vật.
- Tình trạng viêm da: Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trà xanh và EGCG trong nó có thể giúp giảm viêm.
- Khả năng nhận thức: Các nghiên cứu quan sát đã cho thấy rằng trà xanh có liên quan đến khả năng giảm nguy cơ suy giảm nhận thức.
Trà Trắng
Caffeine trong trà trắng nằm trong khoảng từ 32 đến 37 mg trong mỗi phần 8 fl oz.
Trà trắng có giá trị dinh dưỡng tương tự với trà xanh, nhờ trải qua quá trình xử lý ít hơn trà đen, ô long và trà xanh nên nó có thể giữ được nhiều hàm lượng chất chống oxy hóa hơn. Ngoài sở hữu những ưu điểm giống các loại trà nói trên, trà trắng còn có thể hỗ trợ:
- Sức khỏe tim mạch
- Bảo vệ khỏi tác động của tia UV gây hại
- Giảm viêm
- Giảm cân
- Cải thiện khả năng nhận thức
Những Loại Trà Đã Khử Caffeine
Những loại trà này chứa ít hơn 12 mg caffeine trong mỗi phần 8 oz và nhiều loại trà thảo mộc tự nhiên đã khử đi caffeine sẽ hoàn toàn không chứa bất kì thành phần caffeine nào có thể phát hiện được.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Top Các Loại Trà Tốt Cho Sức Khỏe Không Chứa Caffeine
Nhiều loại trà có hàm lượng caffeine từ 0 đến không đáng kể. Thông thường, có người sẽ tìm mua được phiên bản đã khử caffeine của trà đen, xanh hoặc trắng ưa thích của họ, bao gồm cả Earl Grey; tuy nhiên, nhiều loại trà thảo mộc vốn dĩ không chứa caffeine. Sau đây là những ví dụ về các loại trà không chứa caffeine với những lợi ích vượt trội dành cho sức khỏe.
Trà Rooibos
Loại trà này không chứa caffeine. Nghiên cứu trên động vật cho thấy thực phẩm bổ sung rooibos có thể giúp bảo vệ gan khỏi stress oxy hóa và giảm huyết áp.
Trà Râm Bụt
Nghiên cứu chỉ ra rằng tinh chất từ lá râm bụt có thể sở hữu đặc tính ngừa ung thư và chống oxy hóa, đồng thời có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch và kiểm soát huyết áp.
Trà Hoa Cúc
Trà hoa cúc có thể giúp cải thiện giấc ngủ ở những người bị mất ngủ. Nó cũng có thể làm giảm cholesterol, tăng cường sức khỏe tim mạch và bảo vệ chống oxy hóa.
Trà Nghệ
Theo nghiên cứu, hoạt chất curcumin tạo nên màu vàng đặc trưng của nghệ có thể hỗ trợ tăng cường chức năng miễn dịch nhờ tác dụng chống oxy hóa, tiêu viêm, kháng virus và kháng khuẩn.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Rủi Ro Khi Sử Dụng Caffeine
Lạm dụng caffeine quá nhiều có thể gây ra những lo ngại về sức khỏe. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã đề xuất mức tối đa hàng ngày là 400 mg, hoặc khoảng 4 hoặc 5 tách cà phê. Tuy nhiên, vượt quá mức này có thể dẫn đến những tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm:
- Mất ngủ
- Đau đầu
- Lo lắng
- Bồn chồn
- Tăng nhịp tim
- Mất nước
- Gây nghiện
Một số cá nhân nên tránh hoặc hạn chế tiêu thụ caffeine, bao gồm cả những người:
- Đang mang thai hoặc đang cho con bú
- Bị rối loạn giấc ngủ
- Bị cao huyết áp
- Bị loét hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản
- Bị lo lắng
- Bị đau nửa đầu
- Đang dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như chất kích thích
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tổng Kết
Những loại trà có hàm lượng caffeine cao nhất gồm có trà đen, trà ô long, trà xanh và trà trắng. Tất cả chúng đều có khả năng tăng cường sức khỏe, do có chứa chất chống oxy hóa, polyphenol, flavonoid, flavonol và nhiều hợp chất tăng cường sức khỏe khác.
Những lợi ích sức khỏe của trà gồm có:
- Sức khỏe tim mạch nhờ giảm cholesterol
- Giảm cân
- Bảo vệ chống oxy hóa
- Bảo vệ khỏi tác động của tia UV có hại
- Tiêu viêm
Hầu hết các loại trà được tiêu thụ rộng rãi cũng đã có phiên bản khử caffeine dành cho những ai mẫn cảm hoặc e ngại tác dụng mà caffeine có thể gây ra. Một số loại trà, đặc biệt là nhiều loại trà thảo mộc, vốn dĩ không chứa caffeine. Rooibos, trà râm bụt và trà hoa cúc là những thức uống lành mạnh không chứa caffeine có tác dụng tích cực cho sức khỏe.
Có thể bạn quan tâm: Matcha Có Chứa Caffeine Không?
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê