Phần lớn chúng ta đều biết rằng ăn trái cây và rau củ tươi rất có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, do hàm lượng đường cao, những người mắc bệnh tiểu đường có thể kiêng trái cây. Nghiên cứu mới đây đã phân tích những lợi ích sức khỏe của khi ăn trái cây tươi đối với bệnh nhân tiểu đường.
Một nghiên cứu mới đây cho thấy ăn trái cây tươi mỗi ngày có thể mang lại lợi ích đáng kể cho những người mắc bệnh tiểu đường.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến hơn 420 triệu người trên toàn thế giới và chỉ tính riêng Hoa Kỳ đã có hơn 29 triệu người mắc bệnh tiểu đường.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh tiểu đường gây ra hơn 1.5 triệu ca tử vong vào năm 2012. Ở Mỹ, bệnh tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, chiếm gần như 80.000 ca tử vong hàng năm, theo số liệu thống kê mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).
Trái cây và rau củ tươi thường có lợi cho sức khỏe của chúng ta, nhưng những người mắc bệnh tiểu đường có thể kiêng ăn trái cây tươi vì hàm lượng đường cao.
Đây là lý do tại sao một nhóm các nhà nghiên cứu – đứng đầu là Huaidong Du thuộc Đại học Oxford ở Vương quốc Anh – đã quyết định điều tra ảnh hưởng sức khỏe khi ăn trái cây tươi ở cả bệnh nhân mắc và không mắc bệnh tiểu đường.
Theo hiểu biết của họ, cho đến nay chưa có nghiên cứu nào điều tra tác động lâu dài khi ăn trái cây tươi đối với tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường hoặc nguy cơ mắc các biến cố tim mạch do bệnh tiểu đường, điều này càng thúc đẩy sự quan tâm của họ đối với chủ đề này.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí PLOS Medicine.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Ăn Trái Cây Tươi Giúp Giảm Nguy Cơ Biến Chứng Ở Bệnh Nhân Tiểu Đường
Các chuyên gia đã kiểm tra ảnh hưởng khi ăn trái cây đối với gần 500.000 người tham gia quá trình nghiên cứu toàn quốc của China Kadoorie Biobank. Những người tham gia có độ tuổi từ 30 đến 79 và sinh sống ở 10 khu vực khác nhau trên khắp Trung Quốc.
Những người tham gia được theo dõi lâm sàng trong khoảng 7 năm. Trong thời gian theo dõi này, có tổng cộng 9.504 người không mắc bệnh tiểu đường khi bắt đầu thử nghiệm đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường.
Sử dụng mô hình hồi quy Cox, các nhà nghiên cứu đã phân tích mối liên hệ giữa lượng trái cây tươi ăn vào và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường sau khi điều chỉnh độ tuổi, giới tính, địa lý, trình độ kinh tế xã hội, chỉ số khối cơ thể (BMI) và tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường.
Tổng cộng, 18.8% số người tham gia nói rằng họ ăn trái cây tươi mỗi ngày và 6.4% nói rằng họ không bao giờ hoặc hiếm khi ăn chúng. Những người trước đây đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường có tỷ lệ không ăn trái cây cao gấp 3 lần so với những người không mắc bệnh tiểu đường hoặc mắc bệnh tiểu đường được phát hiện qua sàng lọc.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những người không mắc bệnh tiểu đường khi bắt đầu nghiên cứu và ăn nhiều trái cây tươi hơn đã giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, những người bị tiểu đường khi bắt đầu nghiên cứu và ăn nhiều trái cây đã giảm đáng kể nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, cũng như giảm được cả nguy cơ mắc phải các biến chứng tim mạch.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Cụ thể, những người ăn trái cây tươi hàng ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tương đối thấp hơn 12% so với những người tham gia thử nghiệm khác.
Những người mắc bệnh tiểu đường ăn nhiều hơn 3 phần trái cây tươi mỗi tuần có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân thấp hơn 17% và khả năng mắc các biến chứng tim mạch nặng và nhẹ thấp hơn 28%.
Các biến chứng tim mạch “nặng” là những biến chứng ảnh hưởng đến các mạch máu lớn (chẳng hạn như bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ), trong khi các biến chứng tim mạch nhẹ ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ (chẳng hạn như bệnh thận, bệnh về mắt và bệnh thần kinh).
Nói một cách tuyệt đối, điều này có nghĩa là những người ăn trái cây mỗi ngày đã giảm 0.2% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường trong khoảng thời gian 5 năm và những người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường đã giảm 1.9% nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân.
Du và nhóm của ông đã giải thích tầm quan trọng của những phát hiện này như sau:
“Những phát hiện này cho thấy rằng ăn nhiều trái cây tươi có khả năng mang lại lợi ích trong quá trình ngăn ngừa bệnh tiểu đường nguyên phát và thứ phát. Không nên khuyên những người đã mắc bệnh tiểu đường hạn chế ăn trái cây tươi, như những gì từng thấy ở nhiều nơi trên thế giới.”
Nghiên cứu hoàn toàn là quan sát, vì vậy không có kết luận nào được đưa ra về quan hệ nhân quả.
Có thể bạn quan tâm: Người bệnh tiểu đường có được ăn trái cây không? Loại nào nên và không nên?
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê