- Chức năng phổi rất quan trọng đối với cuộc sống của con người, nhưng nó có thể bị ảnh hưởng bởi một số lý do khác nhau.
- Kết quả của một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng những người có lượng vitamin K thấp hơn có thể có nguy cơ bị suy giảm chức năng phổi cao hơn và dễ gặp phải các triệu chứng ảnh hưởng đến hô hấp hơn.
- Mọi người có thể tăng cường vitamin K bằng cách tiêu thụ nhiều loại thực phẩm giàu vitamin K hơn, chẳng hạn như rau xanh và các loại cải, đồng thời tham khảo ý kiến của các chuyên gia để có hướng bổ sung phù hợp.
Nghiên cứu mới đây về ảnh hưởng của vitamin K đối với chức năng phổi cho thấy tình trạng thiếu hụt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hô hấp và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về phổi.
Các nhà nghiên cứu trong nghiên cứu này đã sử dụng một dấu ấn sinh học cụ thể để đánh giá tình trạng vitamin K.
Tình trạng suy giảm chức năng phổi có thể được quan sát thấy ở những người có lượng vitamin K thấp. Ngoài ra, họ cũng có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn và thở khò khè cao hơn.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí nghiên cứu mở ERJ.
Thiếu hụt vitamin K có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng phổi.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Nồng Độ Vitamin K Ảnh Hưởng Đến Phổi Như Thế Nào?
Một trong những chức năng quan trọng của vitamin K trong cơ thể là hỗ trợ quá trình đông máu khỏe mạnh. Tuy nhiên, nghiên cứu hiện tại muốn tìm hiểu sâu hơn về tác dụng của nó đối với chức năng phổi.
Đây là một cuộc khảo sát cắt ngang của dân số nói chung với khoảng 4.000 người tham gia. Họ sử dụng phương pháp gián tiếp để xác định tình trạng vitamin K trong cơ thể.
Quá trình vôi hóa mô phổi có thể được ngăn chặn bằng cách sử dụng một loại protein gọi là matrix gla protein (MGP). Để protein này hoạt động cần có vitamin K.
MGP khử phospho hóa-không carboxyl hóa (dp-ucMGP) là dạng bất hoạt của protein này, nó cũng là thước đo nồng độ vitamin K. Nếu nồng độ của nó trong huyết tương cao thì nồng độ vitamin K sẽ thấp.
Nghiên cứu chỉ ra rằng lượng vitamin K thấp hơn có liên quan đến chức năng phổi kém hơn, dựa trên hai phép đo chức năng phổi: dung tích sống gắng sức và thể tích thở ra gắng sức. Kết quả cho thấy không có mối tương quan giữa nồng độ vitamin K và tình trạng khó thở.
Họ cũng phát hiện ra rằng những người có lượng vitamin K thấp có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn và thở khò khè cao hơn.
Nghiên cứu đã làm sáng tỏ thông tin về tác động tiềm ẩn của vitamin K đối với chức năng phổi và tình trạng thiếu hụt có thể góp phần gây ra một số vấn đề về hô hấp. Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Torkil Jespersen đã giải thích một số điểm nổi bật của nghiên cứu cho MNT:
“Ngoài chức năng đông máu, giá trị tiềm năng của vitamin K đối với sức khỏe đã tăng lên trong những năm gần đây. Có rất ít nghiên cứu về vitamin K và bệnh phổi, hầu hết chỉ được tiến hành trên một nhóm nhỏ bệnh nhân.
Vì điều này có thể mang lại ý nghĩa rất lớn đối với lời khuyên về chế độ ăn uống và thực phẩm bổ sung cho cả nhóm bệnh nhân phổi và cộng đồng nói chung, nên chúng tôi muốn nghiên cứu nó trên một phạm vi dân số rộng hơn.”
“Suy giảm chức năng phổi, tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) ngày càng tăng đã được ghi nhận ở những người tham gia nghiên cứu có tình trạng vitamin K thấp.”
— Tiến sĩ Torkil Jespersen
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Những Mặt Hạn Chế và Nghiên Cứu Trong Tương Lai
Nghiên cứu này đã có những mặt hạn chế nhất định. Đầu tiên, nó không thể chứng minh rằng lượng vitamin K thấp là nguyên dân dẫn đến một số bệnh về phổi hoặc suy giảm chức năng phổi.
Các nhà nghiên cứu chưa biết lượng vitamin K hấp thụ của những người tham gia nghiên cứu, cả từ thực phẩm và chất bổ sung. Kết quả của nghiên cứu có thể bị ảnh hưởng bởi số lượng người không phản hồi hoặc không tham gia.
Có những lỗ hổng trong dữ liệu, chẳng hạn như thực tế chỉ có 3.169 người được kiểm tra chức năng phổi. Tương tự như vậy, những người tham gia chủ yếu là người da trắng và chỉ đến từ một quốc gia (Đan Mạch) và một khu vực (vùng ngoại ô phía tây của Greater Copenhagen).
Để khắc phục, nghiên cứu trong tương lai có thể kết hợp nhiều nhóm người tham gia hơn. Ngoài ra, cũng nên xem xét lại việc tự báo cáo về tình trạng hô hấp cụ thể của những người tham gia, vì điều này không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác sức khỏe của một ai đó.
Rick Miller, chuyên gia dinh dưỡng của Bệnh viện King Edward VII và đồng giám đốc của Miller & Everton, đã chỉ ra rằng một nghiên cứu cắt ngang như thế này đều có vài mặt hạn chế nhất định. Ông giải thích:
“Vì đây là nghiên cứu cắt ngang nên không thể rút ra kết luận chắc chắn về mối quan hệ giữa vitamin K và bệnh phổi; tuy nhiên, nó vẫn đưa ra bằng chứng cho thấy mọi người nên ưu tiên bổ sung đủ vitamin K, cùng nhiều vi chất dinh dưỡng thiết yếu khác có ảnh hưởng sâu rộng đến sức khỏe từ chế độ ăn uống hằng ngày của họ.”
Nghiên cứu sâu hơn có thể bao gồm cả quá trình thu thập dữ liệu dài hạn. Những hướng nghiên cứu khả thi trong tương lai đã được Tiến sĩ Jespersen vạch ra như sau:
“Cần nhiều nghiên cứu sâu hơn để chúng ta có thể hiểu rõ về lợi ích tiềm năng khi bổ sung vitamin K cho nhiều nhóm bệnh nhân phổi nói riêng và cộng đồng nói chung.”
Ông nói thêm: “Nghiên cứu trong tương lai nên theo dõi nồng độ vitamin K và chức năng phổi ở từng cá nhân theo thời gian. Tác động của thực phẩm bổ sung đối với bệnh phổi cũng là một lĩnh vực khác cần được nghiên cứu thêm.
Bên cạnh đó, các tác giả của bài báo cũng đang trong quá trình giải đáp những chủ đề này thông qua một thử nghiệm ngẫu nhiên dài hạn có đối chứng giả dược (InterVitaminK).”
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Cách Bổ Sung Nhiều Vitamin K Hơn Trong Chế Độ Ăn Uống
Nghiên cứu này góp phần nâng cao kiến thức của chúng ta về tầm quan trọng của vitamin K và vai trò của nó đối với cơ thể. Miller giải thích thêm một chút về vitamin K với MNT:
“Vitamin K là vitamin tan trong chất béo, chúng có ba dạng: vitamin K1, K2 và K3. Sức khỏe của xương và hỗ trợ đông máu đều phụ thuộc vào protein được sản xuất trong cơ thể với sự trợ giúp của vitamin K.
Mặt khác, vitamin K có liên quan đến nhiều chức năng của cơ thể, từ hỗ trợ ổn định huyết áp đến duy trì sức khỏe não bộ và thậm chí có thể giúp ngăn ngừa tình trạng kháng insulin và giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2.”
Vitamin K có sẵn trong nhiều loại thực phẩm. Một số người cũng có thể dùng thực phẩm bổ sung để đạt được đủ lượng vitamin K. Cải xoăn, cải rổ, bông cải xanh và dầu đậu nành đều là những nguồn thực phẩm cung cấp vitamin K tuyệt vời.
Miller cảnh báo rằng những người đang dùng một số loại thuốc như warfarin nên nói chuyện với bác sĩ trước khi tự ý thay đổi lượng vitamin K hấp thụ.
Đối với những người không dùng thuốc chống đông máu, ông có thêm một số gợi ý để tăng cường hấp thụ vitamin K:
“Vitamin K có sẵn trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên, do đó tốt nhất bạn nên bổ sung K từ chúng thay vì dùng thực phẩm bổ sung. Dạng K2 có trong thực phẩm động vật được ưa chuộng hơn, vì có tác dụng trực tiếp đến quá trình kiểm soát canxi và nó cũng tồn tại trong máu lâu hơn. Đây là điều mà tôi luôn nhấn mạnh với bệnh nhân của mình.”
“Gan bò, đặc biệt là paté, phô mai Thụy Sĩ (bán cứng) và trứng đều là những nguồn cung cấp vitamin K tuyệt vời. Nếu bạn là người ăn chay hoặc thuần chay thì măng tây, đậu Hà Lan, ngò tây, đậu lăng và một số loại trái cây như nho, mâm xôi và việt quất đều chứa K1 và đậu nành lên men (natto) là nguồn cung cấp vitamin K2 vượt trội.”
— Chuyên gia dinh dưỡng Rick Miller
Có thể bạn quan tâm: Vitamin K Giúp Giảm Nguy Cơ Sa Sút Trí Tuệ
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê