Gừng đã được sử dụng cho các mục đích y học và ẩm thực cổ truyền. Đây là một phương pháp điều trị phổ biến tại nhà cho các triệu chứng buồn nôn, đau dạ dày và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Lợi Ích Sức Khỏe Từ Gừng
Giảm Đầy Hơi và Cải Thiện Tiêu Hóa
Theo một số nghiên cứu, các enzym của gừng có thể hỗ trợ cơ thể phá vỡ và loại bỏ khí hình thành tại đường ruột trong quá trình tiêu hóa, giúp làm dịu cảm giác khó chịu.
Chúng cũng có tác dụng tích cực đối với men tiêu hóa trypsin và lipase tuyến tụy.
Ngoài ra, gừng còn có thể hỗ trợ lưu thông thức ăn qua đường tiêu hóa, ngụ ý rằng chúng có thể được sử dụng để điều trị hoặc ngăn ngừa táo bón.
Gừng có thể hỗ trợ cải thiện tiêu hóa.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Giảm Buồn Nôn
Theo một số nghiên cứu nhất định, gừng có thể làm dịu cơn ốm nghén và giảm buồn nôn trong quá trình điều trị ung thư.
Lợi ích của việc bổ sung bột củ gừng đối với chứng buồn nôn ở 60 trẻ em và thanh niên đang hóa trị đã được nghiên cứu trong một nghiên cứu nhỏ năm 2010. Phân tích cho thấy rằng chất bổ sung này đã làm giảm cảm giác buồn nôn ở hầu hết những người dùng chúng.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một phân tích tổng hợp vào năm 2011. Theo họ, việc sử dụng 1.500 mg chiết xuất gừng mỗi ngày với liều lượng chia nhỏ sẽ làm giảm cảm giác buồn nôn.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Giảm Các Triệu Chứng Cảm Lạnh hoặc Cúm
Vào năm 2013, các nhà khoa học đã nghiên cứu tác dụng của gừng tươi và khô bằng cách sử dụng một loại virus đường hô hấp trong tế bào người. Trong khi gừng khô không có tác dụng gì thì gừng tươi lại có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe đường hô hấp.
Cũng trong năm 2013, một thử nghiệm nhỏ đã được thực hiện để khám phá sự phổ biến của thảo dược như một liệu pháp điều trị cảm lạnh và cảm cúm.
Sau khi thăm dò ý kiến của 300 khách hàng của hiệu thuốc ở hai địa điểm khác nhau, các nhà nghiên cứu xác định rằng 69% những người được hỏi đã sử dụng thảo dược và đại đa số những người được hỏi đều cho rằng chúng có hiệu quả.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Giảm Đau
Một nghiên cứu nhỏ bao gồm 74 người tham gia đã phát hiện ra rằng dùng 2 gam (g) gừng sống hoặc nấu chín hàng ngày làm giảm khoảng 25% tình trạng đau nhức cơ do tập thể dục.
Trong khi đó, một đánh giá vào năm 2016 về nghiên cứu cho thấy gừng có thể giúp giảm đau bụng kinh – triệu chứng khó chịu liên quan đến kinh nguyệt.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Kháng Viêm
Một nhóm các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng dùng gừng bằng đường uống là “hiệu quả ở mức độ vừa phải và tương đối an toàn” để điều trị các triệu chứng viêm liên quan đến xương khớp.
Trong khi đó, một phân tích tổng hợp năm 2017 gồm 16 thử nghiệm lâm sàng đã phát hiện ra rằng các đặc tính phytochemical trong gừng có thể kháng viêm.
Có thể bạn quan tâm: Làm Thế Nào Để Giảm Viêm Nhiễm Với Chế Độ Ăn Nguồn Gốc Thực Vật
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Hỗ Trợ Sức Khỏe Tim Mạch
Có một số bằng chứng cho thấy rằng chiết xuất gừng có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ví dụ, hiệu quả chống kết tập tiểu cầu được tăng cường đáng kể ở liều 5 g và cao hơn trong một nghiên cứu.
Mặt khác, chiết xuất gừng được phát hiện có thể giúp ngăn ngừa tỷ lệ mắc các khuyết tật tim ở chuột mắc bệnh tiểu đường trong một thử nghiệm nhỏ.
Các nhà khoa học suy đoán rằng sự sụt giảm này có thể một phần xuất phát từ các đặc tính chống oxy hóa của chiết xuất.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Giảm Nguy Cơ Ung Thư
Gừng không cung cấp protein hoặc các chất dinh dưỡng khác, nhưng chúng là một nguồn chất chống oxy hóa tuyệt vời. Do đó, trong các nghiên cứu, gừng đã được chứng minh là có thể làm giảm nhiều loại stress oxy hóa.
Cơ thể cần loại bỏ các gốc tự do để tránh tổn thương tế bào, điều này có thể dẫn đến các rối loạn, bao gồm cả ung thư. Chất chống oxy hóa trong thực phẩm có thể hỗ trợ cơ thể loại bỏ các gốc tự do.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Trong một thử nghiệm được thực hiện vào năm 2013, các nhà nghiên cứu đã cung cấp 2 gam gừng hoặc giả dược cho 20 tình nguyện viên dùng trong 28 ngày. Những người này đều có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng.
Theo kết quả sinh thiết, những người ăn gừng ít bị tổn hại đến các mô ruột già khỏe mạnh. Ngoài ra, nhóm này còn có biểu hiện giảm tăng sinh tế bào. Các phát hiện này cho thấy gừng có thể hiệu quả trong việc ngăn ngừa ung thư đại trực tràng.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Những Điều Cần Lưu Ý
Gừng được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) xem là an toàn để sử dụng, nhưng chúng không được cơ quan này đảm bảo hoặc quy định trong việc sử dụng như một loại thuốc hoặc chất bổ sung.
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tăng lượng gừng trong chế độ ăn uống hoặc sử dụng thực phẩm bổ sung từ gừng. Chúng có thể gây trở ngại cho các loại thuốc được kê đơn hoặc dẫn đến các tác dụng phụ khác đối với sức khỏe.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Tổng Kết
Gừng đã được chứng minh là có tác dụng tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa, kháng viêm và giảm đau, bên cạnh những lợi ích khác.
Vấn đề là nhiều nghiên cứu sử dụng một lượng lớn các chất chiết xuất, do đó một người có thể không nhận được đầy đủ những hiệu quả về mặt sức khỏe chỉ bằng cách thêm gừng vào chế độ ăn uống của họ.
Bên cạnh đó, các cuộc thử nghiệm về dược tính của gừng có xu hướng nhỏ hoặc không có kết quả. Hiệu quả và độ an toàn của các loại thực phẩm bổ sung từ gừng vẫn cần được nghiên cứu thêm.
Nguồn ảnh minh họa: Internet
Góc Tư Vấn
Sử dụng gừng khi mang thai liệu có an toàn không?
Giải Đáp
“Theo một phân tích tổng hợp, gừng là một chiến lược an toàn để giảm bớt cảm giác buồn nôn khi mang thai. Chúng dường như không làm tăng khả năng sẩy thai hoặc xuất hiện các triệu chứng thai kỳ thông thường như ợ chua hoặc kiệt sức.
Hãy cố gắng uống ít hơn 1.500 mg chiết xuất gừng mỗi ngày. Ngoài ra, chúng cũng có thể được sử dụng như một loại trà hoặc kẹo.”
Natalie Butler – Chuyên gia Dinh dưỡng
Bài viết được dịch từ www.medicalnewstoday.com
Dịch giả Trinh Lê