Ăn chay có liên quan đến việc giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu

0
(0)

Nghiên cứu cho thấy một chế độ ăn nhiều trái cây, rau củ và ít thịt có thể làm giảm sự hiện diện của vi khuẩn có hại gây bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI).

Chúng ta đều biết rằng uống nhiều nước hơn có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu bằng cách đào thải vi khuẩn có trong đường tiết niệu. Tuy nhiên, những gì chúng ta ăn (hoặc tránh) có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng tiểu không?

Câu trả lời là có! Theo nghiên cứu mới được công bố vào ngày 30 tháng 1 trên tạp chí Scientific Reports, những người ăn chay có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) thấp hơn so với những người ăn thịt.

Thực phẩm giàu chất xơ, có nguồn gốc thực vật có thể giúp ngăn ngừa bệnh nhiễm trùng đường tiểu.

Thực phẩm giàu chất xơ, có nguồn gốc thực vật có thể giúp ngăn ngừa bệnh nhiễm trùng đường tiểu.

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Các Nhà Nghiên Cứu Đã Kiểm Chứng Một Nhóm Riêng Biệt

Các tình nguyện viên của Tzu Chi, một tổ chức Phật giáo tham gia vào nhiều hoạt động từ thiện và cứu trợ thiên tai, đã được tuyển dụng cho nghiên cứu tại Đài Loan. Khoảng 1/3 số thành viên là người ăn chay, và tất cả tình nguyện viên phải đồng ý không uống rượu và hút thuốc để tham gia.

Những người tham gia đã thực hiện một bảng câu hỏi về tần suất ăn uống, trong đó có câu hỏi về tình trạng ăn chay của họ. Những người tuyên bố ăn chay nhưng ăn thịt hoặc cá như một phần trong chế độ ăn kiêng của họ được phân loại là người không ăn chay.

Sau khi loại trừ những người dưới 20 tuổi, những người có bảng câu hỏi chưa hoàn chỉnh và những người có tiền sử nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), các nhà nghiên cứu chỉ còn lại 9.724 đối tượng, gồm 3.257 người ăn chay và 6.448 người không ăn chay.

Nhóm nghiên cứu đã theo dõi những người tham gia từ năm 2005 đến 2014 thông qua Chương trình Bảo hiểm Y tế Quốc gia, bao gồm gần 100% dân số, để xác định những trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI).

Khi kết thúc giai đoạn nghiên cứu, 217 người ăn chay và 444 người không ăn chay được chẩn đoán mắc UTI.

Nhóm Ăn Chay Giảm Được 16% Tỷ Lệ Mắc UTI So Với Nhóm Không Ăn Chay

Sự khác biệt này cho thấy những người ăn chay có nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu thấp hơn 16% so với những người không ăn chay. Theo các tác giả của một phân tích phân nhóm sâu hơn, chế độ ăn chay có liên quan đáng kể đến việc giảm nguy cơ nhiễm trùng tiểu chủ yếu ở phụ nữ.

Các tác giả viết, sau khi kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, tiểu đường và cholesterol cao, chế độ ăn chay dường như có tác dụng giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ, nhưng không có sự khác biệt rõ rệt nào được phát hiện ở nam giới.

Ngay cả ở những người không hút thuốc, khả năng bị “nhiễm trùng tiểu không biến chứng” hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu có thể xảy ra ngay cả ở những người khỏe mạnh cũng giảm đi.

Phụ nữ có nhiều khả năng mắc UTI hơn nam giới; 60% phụ nữ sẽ mắc UTI ít nhất một lần trong đời, trong khi nam giới chỉ 12%. Điều này là do phụ nữ có niệu đạo ngắn hơn nam giới, nghĩa là vi khuẩn có quãng đường di chuyển đến bàng quang ngắn hơn, theo Urology Care Foundation.

41235761 | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Ăn Thịt Làm Biến Đổi Hệ Vi Sinh Đường Ruột

Bác sĩ Chin-Lon Lin, giáo sư tại Đại học Tzu Chi ở Đài Loan và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Vì chế độ ăn chay có liên quan đến nhiều chủng vi khuẩn khác nhau trong hệ tiêu hóa, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi nguy cơ nhiễm trùng tiểu ở nhóm này thấp hơn.”

Tiến sĩ Lin đưa ra giả thuyết rằng tác động tích cực này có thể đến từ sự kết hợp của chế độ ăn nhiều rau và giảm thịt. Lin tin rằng: “Thịt đóng một vai trò quan trọng hơn vì nó làm biến đổi hệ vi sinh đường ruột.”

Thịt Có Nhiều Khả Năng Chứa E. coli Hơn Thực Phẩm Có Nguồn Gốc Thực Vật

Hầu hết các bệnh nhiễm trùng tiểu đều do Escherichia coli gây bệnh ngoài ruột (ExPEC) gây ra, vi khuẩn này có thể xâm chiếm và lây nhiễm các vị trí cơ thể vô trùng thông thường.

Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng bằng cách tránh ăn thịt, đặc biệt là thịt lợn và thịt gia cầm, hai loại thịt rất dễ chứa một số chủng E. coli này, mọi người sẽ ít có nguy cơ bị nhiễm khuẩn hơn, từ đó làm giảm khả năng vi khuẩn di chuyển từ ruột đến niệu đạo.

Hàm lượng chất xơ cao trong chế độ ăn chay cũng có thể là một yếu tố góp phần. Các tác giả viết rằng quá trình chuyển hóa chất xơ đã làm giảm độ pH trong đường tiêu hóa, điều này có thể ức chế sự sinh sôi nảy nở của vi khuẩn E. coli.

VegNews.WFPB .Unsplash.EllaOlsson | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Ngoài Chế Độ Ăn Uống, Thói Quen Sống Cũng Có Ảnh Hưởng Đến Sức Khỏe Tiết Niệu

Tiến sĩ Yufang Lin, một bác sĩ nội khoa tích hợp tại Phòng khám Cleveland ở Ohio, người không tham gia vào nghiên cứu này, chia sẻ rằng: “Mặc dù những phát hiện này rất có triển vọng, nhưng lối sống của Phật tử vẫn bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố khác ngoài chế độ ăn uống.”

Cô ấy nói rằng: “Điều này gây khó khăn cho việc giảm nhiễm trùng đường tiết niệu chỉ nhờ vào chế độ ăn uống đơn thuần. Tôi nghĩ mặc dù nghiên cứu này không cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng chế độ ăn chay có thể làm giảm nguy cơ UTI, nhưng có một số yếu tố về nó có thể hỗ trợ.”

Các tác giả nghiên cứu thừa nhận những phát hiện của họ có một vài hạn chế đáng kể.

Họ xác định sự hiện diện (hoặc vắng mặt) của UTI dựa trên mã hóa từ nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe (ICD-9) chứ không phải tiêu chuẩn vàng, vốn là các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, bao gồm cả nuôi cấy nước tiểu.

Lượng nước uống vào và hoạt động tình dục, những yếu tố được biết là có ảnh hưởng đến UTI, cũng không được đo lường hoặc tính đến trong các phát hiện.

Cần Nghiên Cứu Thêm Về Vi Khuẩn Gây Nhiễm Trùng Đường Tiểu

Tiến sĩ Chin-Lon Lin tin rằng cơ chế tác dụng bảo vệ rõ ràng của chế độ ăn chay có thể được làm sáng tỏ bằng cách tiến hành nghiên cứu thêm về những chủng vi khuẩn gây ra UTI.

cystitis vs uti 5194694 FINAL 240322d3a1154ba791f0a52aab09994f | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Vì Sao Một Chế Độ Ăn Chú Trọng Thực Vật Có Thể Giúp Bạn Phòng Tránh UTI?

Ngoài việc giảm tiếp xúc với khuẩn E. coli bằng cách tránh ăn thịt, Tiến sĩ Yufang Lin cho biết ăn nhiều rau cũng có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.

Cô ấy nói: “Nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, đặc biệt là các loại thảo mộc hoặc thực phẩm có vị đắng, có chứa đặc tính kháng khuẩn và cũng là chất chống oxy hóa.”

“Chế độ ăn chay thường chứa nhiều hợp chất kháng khuẩn. Kháng khuẩn nghĩa là nó có khả năng chống lại vi sinh vật, kể cả vi khuẩn. Những chất này có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn trong thực phẩm chúng ta ăn, cũng như ngăn chặn sự sinh sôi của vi khuẩn bên trong đường ruột.”

Cô ấy giải thích rằng sự kết hợp này làm giảm số lượng vi khuẩn trong môi trường đường ruột, từ đó làm giảm khả năng vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang của chúng ta. Lin nói: “Đây là lý do tại sao chế độ ăn chay giàu thực phẩm kháng khuẩn lại có lợi đến như vậy.”

Có thể bạn quan tâm: Nước Ép Nam Việt Quất Có Thực Sự Điều Trị Nhiễm Trùng Đường Tiết Niệu Hiệu Quả?

Chất Chống Oxy Hóa Cùng Nhiều Chất Dinh Dưỡng Khác Đóng Vai Trò Bảo Vệ

Theo Lin, người ăn chay hấp thụ được nhiều chất chống oxy hóa hơn do họ tiêu thụ nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Cô giải thích rằng: “Vì chúng có khả năng hỗ trợ hệ thống miễn dịch của cơ thể nên chúng cũng có thể tăng cường khả năng phòng chống bệnh tật của chúng ta.”

Lin kết luận rằng: “Trái cây và rau quả rất giàu chất dinh dưỡng, giúp hỗ trợ các chức năng chung của cơ thể. Có rất nhiều yếu tố hỗ trợ cho chế độ ăn chú trọng thực vật. Bạn không nhất thiết phải ăn thuần chay để cải thiện sức khỏe của mình.”

“Tôi hoàn toàn tin rằng chế độ ăn giàu thực phẩm toàn phần, ví dụ như rau củ và trái cây tươi, sẽ giúp bạn nhận được nhiều lợi ích và có khả năng giảm nguy cơ UTI. Đối với những người có hệ thống miễn dịch yếu hơn một chút, họ nên nấu ăn với nhiều loại gia vị có đặc tính kháng khuẩn và chống oxy hóa, chẳng hạn như tỏi, hành tây, hương thảo, cỏ xạ hương, lá oregano và gừng.”

— Tiến sĩ Yufang Lin


Bài viết được dịch từ www.everydayhealth.com

Dịch giả Trinh Lê

Bạn có cảm thấy bài này hữu ích?

Thả tim để xếp hạng cho mình bạn nhé!

Thang điểm trung bình 0 / 5. Số phiếu bầu: 0

Chưa có phiếu bầu cho bài này! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.