Tôm và tôm hùm được phát hiện có hàm lượng hóa chất PFAS cao

0
(0)

Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng PFAS – một loại hóa chất độc hại, có thể được tìm thấy trong nhiều loài hải sản có vỏ và cá sinh sống dưới biển.

ĐIỂM TIN CHÍNH

  • Một nghiên cứu thu thập mẫu hải sản tại vùng New Hampshire cho thấy tôm hùm và tôm có hàm lượng hóa chất PFAS rất cao.
  • Điều này cho thấy những người ăn nhiều hải sản có nguy cơ tiếp xúc với PFAS cao hơn, chất này có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.
  • Có rất nhiều loại hàng tiêu dùng và thương mại có chứa hợp chất PFAS.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy những người ăn nhiều hải sản có thể tiếp xúc nhiều hơn với các hóa chất độc hại được gọi là perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl (PFAS). Những hóa chất này có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm ung thư và dị tật bẩm sinh.

PFAS là các hóa chất nhân tạo được tìm thấy trong nhiều loại mặt hàng tiêu dùng và công nghiệp, chẳng hạn như bao bì thực phẩm, quần áo, dụng cụ nấu ăn chống dính và bọt chữa cháy. PFAS được gọi là “hóa chất vĩnh cửu” vì chúng không có khả năng phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên.

Không chỉ vậy, chúng còn hiện diện ở khắp mọi nơi, kể cả trong cơ thể của chúng ta. Theo Agency for Toxic Substances and Disease Registry, hơn 98% người Mỹ được cho là có PFAS trong máu ở một mức độ nào đó. Hầu hết mọi người đều bị phơi nhiễm qua nguồn nước uống đã bị ô nhiễm.

Cá tuyết, cá tuyết chấm đen, tôm hùm, cá hồi, tôm và cá ngừ là một trong những loại hải sản được tiêu thụ phổ biến nhất ở New England và hàm lượng chất per- và polyfluoroalkyl (PFAS) của chúng đã được kiểm tra trong một nghiên cứu gần đây.

Lượng PFAS ở tôm và tôm hùm cao hơn so với các loại cá như cá tuyết chấm đen, cá ngừ và cá hồi.

Lượng PFAS ở tôm và tôm hùm cao hơn so với các loại cá như cá tuyết chấm đen, cá ngừ và cá hồi.

Nguồn ảnh minh họa: Internet

PFAS Được Tìm Thấy Trong Tôm Hùm và Tôm

Dựa trên kết quả nghiên cứu được công bố ngày 12 tháng 4 trên tạp chí Exposure and Health, các nhà khoa học phát hiện ra rằng tôm hùm có hàm lượng PFAS cao nhất, với nồng độ trung bình lên tới 3.30 nanogram trên mỗi gram thịt.

Nghiên cứu cho thấy tôm có lượng PFAS cao thứ hai, với nồng độ trung bình lên tới 1.74 nanogram trên mỗi gram thịt. Theo nghiên cứu, lượng PFAS trong các loài hải sản có vỏ và cá khác thường dưới 1 nanogram mỗi gram.

Tiến sĩ Megan Romano, phó giáo sư dịch tễ học tại Trường Y khoa Dartmouth Geisel ở Lebanon, New Hampshire, đồng thời là tác giả cấp cao của nghiên cứu, cho biết: “Hải sản là nguồn cung cấp protein nạc và axit béo omega dồi dào. Vì vậy, chúng tôi khuyên bạn không nên kiêng hoàn toàn hải sản.”

Mặt khác, theo Tiến sĩ Romano, nguồn phơi nhiễm PFAS này ở người có thể chưa được công nhận rộng rãi. Khi đưa ra lựa chọn ăn uống, điều quan trọng là phải hiểu được những lợi ích và rủi ro của hải sản, đặc biệt đối với những nhóm người nhạy cảm như phụ nữ mang thai và trẻ em.

Tiến sĩ Sheela Sathyanarayana, giáo sư nhi khoa và trợ giảng về khoa học sức khỏe môi trường và nghề nghiệp tại Đại học Washington ở Seattle, suy đoán rằng:

“Mặc dù nghiên cứu không đề cập cụ thể đến vấn đề này, nhưng nồng độ PFAS tăng cao trong hải sản có thể là hậu quả từ ô nhiễm nguồn nước lâu dài do hoạt động sản xuất công nghiệp.”

Tiến sĩ Sathyanarayana, người không tham gia vào nghiên cứu này, cho biết: “Cá, đặc biệt là những loài ăn ở tầng đáy, tiêu thụ chất độc và sau đó tích tụ một lượng chất độc có thể đo lường được trong cơ thể. Tôm và tôm hùm cũng là những sinh vật sống ở tầng này.”

08PFAS and pregnancy videoLarge | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Rủi Ro Sức Khỏe Khi Bị Phơi Nhiễm PFAS Từ Hải Sản

Tiêu thụ những loại cá và hải sản có lượng PFAS cao sẽ khiến con người bị phơi nhiễm với loại hóa chất này. Theo Sathyanarayana, phơi nhiễm PFAS quá mức có thể khiến con người có nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm tăng cholesterol, suy giảm chức năng gan, tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, các vấn đề về sinh sản và dị tật bẩm sinh.

Tiến sĩ Luz Claudio, giáo sư y học môi trường và y tế công cộng tại Trường Y khoa Icahn Mount Sinai của Thành phố New York, người không tham gia vào nghiên cứu mới, lập luận rằng: “Hạn chế tiếp xúc là cách tốt nhất để giảm bớt những rủi ro này vì PFAS không thể được loại bỏ khỏi cơ thể.”

Tiến sĩ Claudio nói: “Tôi không cố khuyên mọi người ăn ít hải sản hơn vì chúng có thể có lợi hơn nhiều nguồn protein khác.”

Tuy nhiên, Claudio khuyên rằng những người lo lắng về nguy cơ phơi nhiễm, đặc biệt là phụ nữ mang thai có thể có nguy cơ cao hơn, nên sử dụng kết quả nghiên cứu để đưa ra lựa chọn tiêu thụ hải sản.

Claudio cho biết: “Tôm và tôm hùm có nồng độ PFAS cao nhất. Do đó, những người lo ngại về việc phơi nhiễm PFAS có thể chọn cách hạn chế tiêu thụ những loại hải sản này.”

Có thể bạn quan tâm: Thịt, Gia Cầm, Cá Ảnh Hưởng Đến Tim Mạch và Nguy Cơ Tử Vong Như Thế Nào?


Bài viết được dịch từ www.everydayhealth.com

Dịch giả Trinh Lê

Bạn có cảm thấy bài này hữu ích?

Thả tim để xếp hạng cho mình bạn nhé!

Thang điểm trung bình 0 / 5. Số phiếu bầu: 0

Chưa có phiếu bầu cho bài này! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.