8 loại trà nên uống để có cơ thể và tâm trí khỏe mạnh hơn

0
(0)

Có nhiều loại trà, từ đen và xanh đến hoa cúc và dâm bụt, mỗi loại đều có thể mang đến cho bạn những lợi ích sức khỏe tiềm năng bao gồm hỗ trợ phòng ngừa bệnh tật, kiểm soát cân nặng, giảm bớt căng thẳng và mệt mỏi, v.v.

vsadvaegae | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Bạn thích nhâm nhi một tách trà xanh để đánh thức cơ thể vào buổi sáng hay một tách hoa cúc để thư giãn trước khi đi ngủ? May mắn thay, trà không chỉ là một loại đồ uống đơn thuần mà nó có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Vicki Shanta Retelny, chuyên gia dinh dưỡng và tác giả cuốn sách The Essential Guide to Healthy Healing Foods, giải thích rằng:

“Trà là một loại đồ uống có nguồn gốc từ thực vật đã được chứng minh là có nhiều tác dụng tích cực. Trà có chứa rất nhiều polyphenol, đây là một chất chống oxy hóa có đặc tính chữa bệnh, cho dù bạn uống trà nóng hay lạnh.”

Ví dụ, polyphenol có nguồn gốc từ thực vật trong trà có thể đóng vai trò ngăn ngừa hoặc trì hoãn tổn thương tế bào và bảo vệ tế bào khỏi các chất gây ung thư, theo Mayo Clinic.

Ngoài ra, một nghiên cứu trên quy mô nhỏ cũng chỉ ra rằng những người lớn tuổi thường xuyên uống trà (như trà xanh, đen hoặc ô long) có các vùng não được tổ chức tốt hơn, liên quan đến chức năng nhận thức khỏe mạnh hơn so với những người không uống trà.

Nếu vẫn chưa đủ bằng chứng để thuyết phục bạn thì một nghiên cứu từ năm 2022 đã tiết lộ rằng những người uống hai cốc trở lên mỗi ngày giảm 13% nguy cơ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào so với những người không uống.

Những người thường xuyên uống trà cũng giảm được nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, bệnh tim thiếu máu cục bộ và đột quỵ. Những phát hiện này phù hợp nhất với những người không thêm đường hoặc sữa vào trà.

Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng không phải tất cả các nghiên cứu đều kiểm chứng trà ở dạng lỏng; một số đã sử dụng viên nang hoặc thuốc viên, có thể cung cấp cho những người tham gia nghiên cứu với liều lượng mạnh hơn.

Trà tự nhiên, nguyên chất sẽ không chứa bất kỳ lượng muối hay calo nào nên chúng rất tốt cho tim mạch và có thể giúp bạn giảm cân, theo báo cáo của Trường Y tế Cộng đồng Harvard T.H. Chan.

Mặc dù uống bất kỳ loại trà nào cũng có lợi cho sức khỏe của bạn, nhưng vẫn có một số loại sở hữu nhiều đặc tính khác nhau. Vì vậy, hãy rót cho mình một cốc và đọc tiếp để khám phá công dụng sức khỏe từ 8 loại trà sau đây.

Thói quen uống trà thường xuyên đã được chứng minh là có thể giúp bạn phòng ngừa một số căn bệnh bao gồm suy giảm trí nhớ và ung thư, cũng như tăng cường tuổi thọ.

Thói quen uống trà thường xuyên đã được chứng minh là có thể giúp bạn phòng ngừa một số căn bệnh bao gồm suy giảm trí nhớ và ung thư, cũng như tăng cường tuổi thọ.

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Top 8 Loại Trà Tốt Cho Sức Khỏe Mà Bạn Nên Uống

1. Trà Xanh Giúp Giảm Nguy Cơ Tiểu Đường Tuýp 2 và Tăng Cường Sức Khỏe Tim Mạch

Retelny nói: “Trà xanh có nguồn gốc từ cây Camellia sinensis, nhờ có nhiều công dụng sức khỏe nên nó luôn được đánh giá rất cao. Các loại trà trắng, ô long, xanh và đen đều thuộc họ trà xanh. Chúng khác nhau dựa trên mức độ lên men.”

Trà xanh là lá của cây trà chưa trải qua công đoạn làm héo và lên men; trà đen (hồng trà) là kết quả của công đoạn lên men và oxy hóa mạnh từ trà xanh nên có lượng caffeine cao hơn; trà ô long được lên men bán phần; trà trắng (bạch trà) được làm từ những búp trà non không lên men.

Trong khi đó, matcha chỉ đơn giản là một loại trà xanh dạng bột, mặc dù đặc điểm và thành phần dinh dưỡng của nó hơi khác so với trà xanh thông thường.

Theo Mayo Clinic, có khoảng 28 miligam (mg) caffeine trong 8 ounce trà xanh đã pha. Để so sánh, cùng một lượng trà đen pha có khoảng 47 mg caffeine. Hàm lượng polyphenol cao trong trà xanh có thể là một lời giải thích cho lợi ích sức khỏe của nó.

Retelny nói: “Trà xanh có rất nhiều polyphenol gọi là catechin, đặc biệt là epigallocatechin-3-gallate (EGCG), được chứng minh là có thể bảo vệ và phòng ngừa chứng viêm và một số căn bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường tuýp 2 và tim mạch.”

Ví dụ, nghiên cứu cho thấy EGCG có thể làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch (sự tích tụ vật chất trong động mạch có thể cản trở lưu lượng máu đến tim và não) bằng cách phá vỡ và hòa tan các mảng protein nguy hiểm tiềm ẩn nằm trong mạch máu.

Theo Hiệp hội Đột quỵ Hoa Kỳ, xơ vữa động mạch là một yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.

Ngoài ra, một đánh giá từ 82 phân tích tổng hợp cũng cho thấy tiêu thụ trà xanh có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, một số bệnh ung thư cũng như giảm cân và huyết áp.

2. Trà Đen Giúp Cải Thiện Sức Khỏe Não Bộ và Giảm Viêm

Mặc dù trà xanh được nhiều người đánh gia cao vì có khả năng tăng cường sức khỏe, nhưng dường như trà đen cũng có thể mang lại những lợi ích tương tự.

Theo Retelny, có bằng chứng khoa học cho thấy trà đen có thể giúp ngăn ngừa chứng mất trí nhớ, viêm nhiễm, bệnh tim mạch, tiểu đường và thậm chí là ung thư.

Một nghiên cứu khác cho thấy thường xuyên uống trà đen (cũng như trà ô long và trà xanh) có thể làm giảm nguy cơ mắc phải một số rối loạn nhận thức thần kinh, chẳng hạn như chứng mất trí nhớ ở người già, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi.

Một đánh giá đề xuất rằng nếu bạn muốn phòng ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2 nhưng không thích trà xanh, thì bạn có thể thử uống trà đen.

Trà đen cũng có chứa flavonoid (hợp chất có trong trà xanh và một số loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật khác), có thể giúp giảm nguy cơ ung thư.

Một nghiên cứu cho thấy ăn nhiều loại thực phẩm giàu flavonoid có thể giúp bảo vệ bạn khỏi bệnh ung thư và tim mạch.

281d58d4cfa342318c56dd844641ffba 1 | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

3. Trà Ô Long Có Thể Hỗ Trợ Giảm Cholesterol

Rahaf Al Bochi, chủ sở hữu của Olive Tree Nutrition ở Baltimore và là phát ngôn viên của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng, cho biết:

“Trà ô long là một loại trà được oxy hóa bán phần, nằm giữa trà đen và trà xanh, có nồng độ polyphenol cao mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.”

Lấy ví dụ, lợi ích sức khỏe tim mạch tiềm năng khi uống trà ô long.

Một nghiên cứu cho thấy uống hơn 2.5 tách trà ô long mỗi ngày có thể làm giảm lượng cholesterol “xấu” (LDL) cũng như giảm nguy cơ mắc chứng rối loạn lipid máu (khi lipid trong máu cao bất thường, bao gồm cholesterol và chất béo trung tính).

Một nghiên cứu khác đã chứng thực công dụng của trà ô long đối với sức khỏe tim mạch, cho thấy rằng uống trà xanh hoặc ô long thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch.

Trà ô long cũng có thể hỗ trợ bạn duy trì hoặc đạt được cân nặng khỏe mạnh. Một nghiên cứu trên quy mô nhỏ khác cho thấy chiết xuất trà ô long có thể góp phần giảm mỡ trong cơ thể và giúp ngăn ngừa béo phì. Tuy nhiên, cần nghiên cứu sâu hơn về mối liên hệ giữa trà ô long và cân nặng.

Ngoài ra, một đánh giá vào năm 2022 cũng chỉ ra rằng trà ô long có tác dụng chống oxy hóa, kháng viêm và ngừa ung thư mạnh mẽ. Tuy nhiên, vì đánh giá chỉ bao gồm các thử nghiệm trên động vật nên vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn ở người để hiểu đầy đủ lợi ích điều trị của ô long.

Nếu bạn thấy trà xanh quá nhạt, hãy dùng thử ô long; vì có thêm quá trình oxy hóa nên nó sẽ có hương vị đậm đà hơn.

4. Trà Hoa Cúc Có Thể Hỗ Trợ An Thần và Hệ Miễn Dịch

Nếu cảm thấy mệt mỏi, bạn hãy uống một tách trà hoa cúc trước khi đi ngủ. Theo Retelny, trà hoa cúc có tác dụng an thần vì đây là thức uống thảo dược không chứa caffeine.

Retelny giải thích: “Chamomile thuộc họ hoa cúc và được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Đây là một trong những loại dược liệu được ghi nhận lâu đời nhất với nhiều đặc tính chữa bệnh.”

Không chỉ vậy, Retelny còn cho biết trà hoa cúc cũng có thể có lợi cho hệ thống miễn dịch của bạn. Mặc dù cần nghiên cứu thêm nhưng một đánh giá cho thấy trà hoa cúc có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.

Ngoài ra, hoa cúc có thể có đặc tính kháng viêm, chống oxy hóa, ngừa ung thư và giảm huyết áp, theo một đánh giá được thực hiện vào năm 2022. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu được thực hiện trên động vật chứ không phải trên con người.

Theo một đánh giá khác, uống trà hoa cúc cũng có thể có lợi cho những phụ nữ mắc phải hội chứng tiền kinh nguyệt. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng uống trà giúp họ giảm viêm và lo lắng.

Nhiều nghiên cứu cho thấy uống trà hoa cúc có thể làm giảm nguy cơ tử vong ở phụ nữ gốc Tây Ban Nha trên 65 tuổi.

Có thể bạn quan tâm: 8 Lợi Ích Sức Khỏe Từ Trà Hoa Cúc

Chrysanthemum Tea | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

5. Trà Gừng Có Thể Chữa Trị Buồn Nôn và Nôn Mửa

Bạn có cảm thấy đau bụng hoặc ốm nghén không? Hãy thử uống trà gừng vì nó có tác dụng làm dịu cơn đau dạ dày. Một phân tích kết luận rằng gừng là một phương thuốc chữa trị hiệu quả và an toàn cho chứng ốm nghén và nôn mửa do hóa trị.

Nghiên cứu cho thấy gừng có thể làm giảm đến 40% cơn buồn nôn sau hóa trị của bệnh nhân ung thư. Trong nghiên cứu này, gừng được sử dụng như một chất bổ sung trong chế độ ăn uống.

Ngoài ra, gingerol – hợp chất tạo nên hương vị và mùi thơm đặc trưng cho gừng, cũng có thể là yếu tố tiềm năng để phòng ngừa và điều trị bệnh tiểu đường và ung thư.

Để thưởng thức trà gừng, bạn hãy cạo bỏ lớp vỏ, thái gừng thành từng lát rồi cho vào cốc, sau đó đổ đầy nước nóng và hãm trong vài phút. Để tiện lợi hơn, bạn có thể mua túi trà đóng gói sẵn làm từ gừng khô.

6. Trà Bạc Hà Giúp Hỗ Trợ Hệ Tiêu Hóa Khỏe Mạnh

Giống như gừng, bạc hà được biết đến với tác dụng hỗ trợ quá trình tiêu hóa khỏe mạnh.

Al Bochi nói: “Trà thảo dược bạc hà là một lựa chọn tuyệt vời để giảm bớt cơn đau dạ dày. Bạc hà có chứa một hợp chất gọi là tinh dầu bạc hà có thể giúp làm dịu đường ruột và giảm đầy hơi.”

Theo đánh giá, bạc hà có thể giúp thư giãn các mô đường tiêu hóa trong một số nghiên cứu trên mô hình động vật.

Mặc dù dầu bạc hà có tác dụng mạnh hơn trà bạc hà, nhưng một đánh giá khác cho thấy dầu bạc hà là phương pháp điều trị ngắn hạn an toàn và hiệu quả đối với hội chứng ruột kích thích (IBS).

Bạc hà (ở dạng viên) đã được chứng minh là giúp giảm bớt cảm giác tức ngực và cải thiện khả năng nuốt ở những người có vấn đề về thực quản, bằng cách thư giãn cơ trơn ở phần dưới thực quản.

Trà bạc hà là sự lựa chọn hoàn hảo để an thần vì nó không chứa caffeine.

photo 1498481530819 96eff6cef535 | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

7. Trà Hoa Dâm Bụt Có Thể Hỗ Trợ Hạ Huyết Áp

Trà dâm bụt được ủ từ lá dâm bụt khô, có vị chua, sảng khoái và rất tốt cho tim của bạn. Bên cạnh áp dụng lối sống lành mạnh và thay đổi chế độ ăn uống, uống 2 tách trà dâm bụt mỗi ngày còn được chứng minh là giúp kiểm soát huyết áp ở những người bị cao huyết áp giai đoạn một.

Ngoài ra, một đánh giá được công bố vào năm 2022 chỉ ra rằng hoa dâm bụt có thể cải thiện tình trạng tăng huyết áp, cholesterol, đường huyết, béo phì và thiếu máu.

Dâm bụt cũng có thể hỗ trợ phòng ngừa tăng cân.

Một thử nghiệm nhỏ, ngẫu nhiên, có đối chứng bằng giả dược cho thấy những người tham gia sử dụng chiết xuất hoa dâm bụt đã giảm được cân nặng, chỉ số BMI và khối lượng mỡ trung tâm, bất kể cường độ hoạt động thể chất của họ.

8. Trà Thì Là Có Thể Làm Giảm Các Triệu Chứng Mãn Kinh

Al Bochi cho biết: “Khả năng làm dịu cơ tiêu hóa của cây thì là có thể hỗ trợ nhuận tràng.”

Thì là đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ như một loại thuốc để điều trị một số rối loạn về đường tiêu hóa bao gồm IBS, theo báo cáo trong một bài đánh giá. Trong đó, polyphenol đã được đề cập đến như một yếu tố chính cho khả năng chống oxy hóa của cây thì là.

Ngoài ra, một thử nghiệm nhỏ sử dụng thì là (ở dạng viên) cho thấy nó có thể giúp giảm các triệu chứng mãn kinh ở phụ nữ sau mãn kinh mà không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào.

Bạn có thể mua trà thì là dưới dạng túi được đóng gói sẵn hoặc tự pha tại nhà bằng cách cho hạt thì là đã nghiền nhỏ vào dụng cụ lọc trà và hãm trong vài phút.

vxcvxzvzx | Ăn Chay, Thuần Chay, Quán Chay & Nhà Hàng Chay

Nguồn ảnh minh họa: Internet

Tổng Kết

Dù bạn chọn loại trà nào đi chăng nữa, thì hãy nhớ rằng uống trà là một cách tuyệt vời để tận dụng những lợi ích của thực vật trong chế độ ăn uống của bạn, Retelny nói. Vì vậy, đừng bỏ đi phần trà còn sót lại mà bạn không thể uống hết.

Ngũ cốc nấu chín sẽ hấp thụ bất kỳ hợp chất thực vật nào có trong trà, do đó Retelny khuyên bạn nên sử dụng nó để nấu diêm mạch, gạo lứt hoặc hạt couscous.

Bạn cũng có thể dùng nước xốt làm từ trà xanh kết hợp với dầu ô liu, muối, tiêu và tỏi nghiền để tẩm ướp cho món ăn.


Bài viết được dịch từ www.everydayhealth.com

Dịch giả Trinh Lê

Bạn có cảm thấy bài này hữu ích?

Thả tim để xếp hạng cho mình bạn nhé!

Thang điểm trung bình 0 / 5. Số phiếu bầu: 0

Chưa có phiếu bầu cho bài này! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.